Chiều 29-3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp về thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo với Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết năm 2021, việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội” đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo vệ và giảm thiểu thấp nhất tác động của dịch Covid-19 đến sức khỏe và tính mạng người dân, đảm bảo an sinh xã hội, nhanh chóng tái mở cửa kinh tế ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Riêng trong quý I năm 2022, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc; phục hồi trên hầu hết lĩnh vực, hướng tới cả năm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.
Về phát triển hợp tác xã, tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 214 hợp tác xã (tăng 67% so với thời điểm 31-12-2001). Trong đó, có 209 hợp tác xã đang hoạt động, tổng số thành viên khoảng 55.000 người, vốn điều lệ trên 240 tỉ đồng, vốn hoạt động trên 1.100 tỉ đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười
Ông Lê Minh Hoan – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – mong muốn qua chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước tại Đồng Tháp, sẽ có những chính sách mới, góp phần nâng tầm nhìn, chiến lược mới cho kinh tế tập thể.
“Từ hiệu quả của mô hình Hội quán, hợp tác xã cho thấy, manh mún, nhỏ lẻ là cái bẫy của ngành nông nghiệp; chỉ có hợp tác, liên kết là con đường dẫn đến thành công và phát triển bền vững.
Phát triển hợp tác xã không chỉ vì mục tiêu là mang lại thu nhập cao, mà còn nâng cao năng lực quản trị, cách thức tổ chức, hình thành thói quen làm nông sản sạch, bảo vệ môi trường, thói quen mua chung, bán chung, dùng chung…” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong trình bày kiến nghị
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề xuất trung ương tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến cao tốc; kiến nghị thành lập “Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười”.
Bên cạnh đó, kiến nghị trung ương chấp thuận nâng cấp cửa khẩu quốc tế Thường Phước thành cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông; cặp cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) – KohRoKa (Prây-veng) được bổ sung vào Nghị định thư vận tải đường bộ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia…
Về phát triển kinh tế tập thể, Đồng Tháp kiến nghị trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tập thể; nghiên cứu, xem xét tách quy định về phát triển hợp tác xã nông nghiệp thành một quy định riêng để tiến dần đến ban hành luật về hợp tác xã nông nghiệp…